Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ
đồng một phần là do không có nhiều dự án nhà ở xã hội.

Trong số đó có những dự án tuy có vị trí đẹp, thậm chí đã khởi
công rầm rộ, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang. Nếu không được triển khai trước khi
gói 30.000 tỷ khóa sổ, những dự án này có thể chết yểu.
“Đắp chiếu” vì vướng mặt bằng
Dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà
Nội) do Cty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư nằm cách bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)
chưa đầy 3km, bao gồm 3 khối nhà cao 21 tầng. Rice City Sông Hồng được khởi
công vào ngày 10/1/2014, với tổng số 500 căn hộ, dự kiến mức giá khoảng 12 triệu
đồng/m2. Dự án NƠXH này khi đó được không ít cặp gia đình trẻ và cán bộ công chức
háo hức đón chờ. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, dự án hiện đang “án binh
bất động”.
Sáng 28/7, trực tiếp có mặt tại công trường, phóng viên Tiền
Phong ghi nhận, dự án được rào chắn cẩn thận bằng cửa sắt và tôn xung quanh.
Nhìn qua khe cửa, những căn hộ NƠXH vẫn chỉ là bãi đất hoang với ngổn ngang bê
tông, cát, đá... Tuyệt nhiên không có một bóng người trên công trường.
Ông Lục Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc Cty CP BIC Việt Nam cho
biết: “Dự án vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai. Chúng tôi nhiều
lần gửi công văn lên quận để giải quyết nhưng do dự án vướng vào phần mộ của
gia đình dân cư xung quanh nên không biết bao giờ mới giải phóng xong”.
Khi phóng viên hỏi: “Nếu không giải phóng mặt bằng có e ngại dự án có thể bị thu hồi?”,
ông Hoàn khẳng định: “Đây không phải là lỗi của chúng tôi. Việc giải phóng do
quận Long Biên chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, ông Đàm Văn Huân, Chánh văn
phòng quận Long Biên khi đề cập đến chỉ chung chung: “Sẽ kiểm tra lại dự án”.
Câu chuyện không triển khai dự án NƠXH của Rice City Sông Hồng
chỉ là một ví dụ. Hiện, nhiều dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang NƠXH cũng
trong tình trạng “giậm chân”. Báo cáo mới đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, thống
kê: hiện có 24 dự án đăng ký chuyển đổi NƠXH, tương đương với hơn 15.400 căn hộ,
tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chưa triển khai được.
Đơn cử: dự án nhà ở thương mại tại ô đất N01, Khu đô thị Hạ
Đình của Cty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội Haweico không thể triển khai
dù nhiều lần xin gia hạn đầu tư; hàng loạt những dự án NƠXH được chấp thuận về
chủ trương nhưng không có dấu hiệu triển khai: dự án AZ Thăng Long, Lai Xá, Kim
Chung, Hoài Đức, Hà Nội do Cty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư dự án đầu
tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở 352 Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà
Nội do Cty CP Bách Hoá làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp đòi gói mới
Gói 30.000 tỷ có thời hạn giải ngân “khoá sổ” vào ngày
1/6/2016. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 7, gói
tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới được giải ngân khoảng 30% dành cho người thu
nhập thấp. Trong số 10.000 tỷ đồng được giải ngân thì riêng số tiền để cho vay
mua nhà ở thương mại chiếm tới hơn 5.000 tỷ đồng.
E ngại gói vay 30.000 tỷ sắp đến ngày đóng cửa mà doanh nghiệp
không có cơ hội được tiếp cận do sự chậm trễ trong các khâu như giải phóng mặt
bằng, thủ tục cấp phép đầu tư, nhiều doanh nghiệp xây dựng NƠXH đã bắt đầu tính
đến việc mong muốn có một gói hỗ trợ mới. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Cty La
Thành (đơn vị đang xin xây dựng NƠXH cho công nhân) chia sẻ, nên chăng, Chính
phủ, bộ ngành tính đến việc xây dựng cho thị trường một gói tín dụng mới với
chính sách mở rộng hơn, hỗ trợ người dân mua nhà để ở và chỉ quy định giá và diện
tích căn hộ.
Ông Nguyễn Quý Hưng, Tổng giám đốc Cty CP Phát triển Nhà xã
hội (HUDVN), nhìn nhận, việc dừng gói 30.000 tỷ đồng là điều dễ hiểu, bởi đây
là một chính sách mang tính chất phục vụ an sinh xã hội nhiều hơn. “Chúng tôi
làm NƠXH hiểu rằng nhu cầu mua nhà của những người có thu nhập trung bình hiện
cao nhất cả nước. Chính phủ cũng nắm rõ điều này và tôi tin rằng sẽ có những
gói hỗ trợ khác hiệu quả hơn”, ông Hưng nói.
Chỉ gần 1 năm nữa, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà
kết thúc trong khi đó, nhiều dự án NƠXH có nguy cơ không kịp vay vì đang trong
tình trạng “đắp chiếu” dài hạn. Không biết khi mọi việc dở dang thì thị trường
sẽ xoay xở thế nào?
Theo Ngọc Mai
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
- Nội dung nên liên quan tới bài viết.
- Liên hệ admin nếu bạn muốn trao đổi liên kết.